THÔNG ĐIỆP MÔN HỌC
Có lẽ hai chữ “Triết học” làm nhiều người rùng mình lảng tránh, tự hỏi vì sao môn học này cao siêu đến thế và có ích lợi gì ở thực tế? Rất nhiều người lớn nghe đến còn lắc đầu chịu thua, huống hồ là tuổi Teen? Nếu môn học này khó hiểu và trừu tượng như vậy thì học để làm gì?
Sự thật là triết học tồn tại trong cuộc sống hàng ngày của con người một cách vô cùng gần gũi, và triết học đến với trẻ em sớm hơn chúng ta tưởng. Trẻ em vốn luôn bỡ ngỡ trước thế giới mở ra với bao điều mới mẻ. Tính tò mò tự nhiên ấy chính là một trong những tinh thần triết học quan trọng. Tuy nhiên qua thời gian, tính tò mò này không được khuyến khích và nuôi dưỡng; thì nghĩa là chúng ta đã vô tình đã khép lại những ô cửa thú vị mở ra thế giới bất tận trước các em. Dẫn đến những hạn chế trong khả năng nhận thức của các em.
Thông qua môn học Tư duy Triết học bằng cách đặt câu hỏi sẽ tiếp tục nuôi dưỡng sự tò mò của các bạn trẻ về thế giới để mở ra những chân trời nhận thức xa-rộng. Đặc biệt, giúp các bạn hình thành một lối tư duy mà bất kỳ trường học tiên tiến của bất kỳ quốc gia phát triển nào cũng yêu cầu ở học sinh, sinh viên của mình trong thế kỷ 21. Đó là tư duy độc lập, tư duy sáng tạo, tư duy hợp tác và tư duy đồng cảm. Đồng thời, là cơ hội để các bạn trẻ có thể rèn luyện về khả năng lập luận để trình bày ý kiến của mình. Đây cũng là nền tảng tư duy mà các bạn trẻ cần trang bị để có thể sống tự lập và sống tốt ở bất cứ đâu. Xa hơn một chút, khi bạn trẻ sống không thờ ơ, biết đặt ra những câu hỏi triết học quan trọng cho đời mình và tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi đó thì bạn đã bắt đầu gieo cho chính mình khát khao được sống một cuộc đời ý nghĩa.
Trích đoạn từ bài viết “Dạy triết cho trẻ em? Một ý tưởng tuyệt vời” của tác giả Michelle Sowey (Lê Thị Ngọc Hà dịch) sẽ mang đến một hình dung tường minh hơn về triết học cho bạn trẻ: "…Đào tạo trong nhiều công việc khác nhau đã giúp tôi trở nên chuyên nghiệp theo nhiều kiểu, nhưng không chương trình đào tạo nào lại định hình nhân tính của tôi sâu sắc như triết học. Không một môn học nào gợi lên trong tôi sự ngạc nhiên đến như vậy về thế giới, hay là cung cấp cho tôi những công cụ tư duy có thể áp dụng rộng rãi đối với những khúc mắc chúng ta phải đương đầu với tư cách con người… …Bằng cách sắp đặt cho trẻ em bước đi trên con đường tìm hiểu triết học ngay từ sớm trong đời, ta có thể mang đến cho các em những món quà không thể thay thế: sự nhận thức về những chiều kích đạo đức, thẩm mỹ và chính trị trong cuộc sống; khả năng trình bày suy nghĩ rõ ràng và đánh giá chúng trung thực; và lòng tự tin để đưa ra đánh giá độc lập và thực hiện tự sửa đổi. Hơn thế nữa, cho các em làm quen sớm với những đối thoại triết học sẽ thúc đẩy lòng tôn trọng lớn hơn dành cho sự đa dạng và sự đồng cảm sâu sắc hơn đối với trải nghiệm của người khác, cũng như hiểu biết quan trọng về cách sử dụng lý lẽ để giải quyết bất đồng… …mặc dù thành tựu học thuật, thăng tiến trong sự nghiệp và thành công về mặt tài chính không phải là chuyện vặt, chúng chỉ là những lớp vỏ hữu hình bao quanh đời sống triết học. Phần nhân ẩn giấu bên trong được cấu thành từ sự tự do, thông suốt về mặt tư tưởng, và sự tinh thông chuyên sâu về ý nghĩa của việc là con người. Đấy là những phẩm chất ta nên tìm kiếm cho con trẻ, bất kể chúng có lớn lên như thế nào…” |
MỤC TIÊU MÔN HỌC
Môn học P4T thông qua trải nghiệm triết học để tìm hiểu về chính mình và thế giới bằng cách:
Mục tiêu của môn học P4T là “doing philosophy” (“Thực hành tư duy triết học”) chứ không phải là “learning philosophy” (“Học lý thuyết về triết”).
Thông qua môn học, các bạn sẽ hình thành 4 tinh thần lớn của triết học để lấy đó làm nền tảng cho sự học của bản thân. Đồng thời, các bạn trẻ tiếp tục hành trình phát triển 4 kỹ năng tư duy (Thinking Skills) được xem là những kỹ năng chính yếu của một học sinh cần có trong thế kỷ 21 (21st century skills).
Khi một bạn trẻ rèn luyện được 4 tinh thần Triết học và các kỹ năng tư duy này thì sẽ có thể:
- Có năng lực đặt ra những câu hỏi quan trọng đối với cuộc sống và đi tìm những câu trả lời thấu lý dựa trên quá trình và công cụ khám phá đã tìm hiểu trong khóa học;
- Có năng lực độc lập trong suy nghĩ, biết cách lý luận hợp lý, chặt chẽ và biết cách sắp xếp, tự trình bày suy nghĩ của mình;
- Có năng lực đa dạng hóa góc nhìn về các sự vật, sự việc; phân biệt phải-trái, đúng-sai; nhận thức đúng đắn hơn về những vấn đề của cuộc sống và nới rộng lòng bao dung, suy nghĩ thấu cảm.
- Có một cuộc đời ý nghĩa và trở thành một con người tự do - trách nhiệm.
NỘI DUNG MÔN HỌC
Hoạt động thực hành triết học sẽ xoay quanh các chủ đề triết học bao gồm (nhưng không giới hạn) những khía cạnh sau:
PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY
- Viện IRED ứng dụng phương pháp “Philosophy for Children”/ “Triết học cho Trẻ em” (P4C) do TS. Mathew Lipman thuộc Đại học Moinclair State University, Hoa Kỳ sáng lập và được thực hành rộng rãi trên toàn thế giới. Bằng cách này, các vấn đề triết học được tiếp cận một cách nhẹ nhàng, gần gũi, sáng rõ, giản dị và ít trừu tượng nhất.
- Phương pháp này được kế thừa và phát triển bởi Hiệp hội The International Council of Philosophical Inquiry with Children (ICPIC), mà Viện IRED là một thành viên. ICPIC và phương pháp P4C có lịch sử 50 năm phát triển, với gần 100 nước thành viên, trong đó có Mỹ, Úc, Anh, Canada… và được UNESCO công nhận là phương pháp đóng góp cho sự phát triển của thế hệ trẻ hướng đến chân dung công dân toàn cầu.
Văn hóa giúp ta minh định được đúng - sai, phải - trái, chân - giả, thiện - ác, chính - tà; giúp ta hình thành được “chân thắng” và “chân ga” bên trong con người mình. “Chân thắng” là để ngăn ta làm điều sai, điều ác; còn “chân ga” sẽ thôi thúc ta làm điều đúng, điều đẹp. Có một câu hỏi hơn “Tiền nhiều để làm gì?” là “Học nhiều để làm gì?”, “Tại sao VN ta được xem là một dân tộc hiếu học nhưng lại nghèo bền vững như thế này?”. Phải chăng, “hiếu học” chủ yếu là học cho ra điểm hay học cho ra bằng, chứ không phải là học cho ra người (văn hóa) hay học cho ra nghề (chuyên môn)…? Theo tôi, có 3 môn học tối thiểu con người cần tìm hiểu để có văn hóa là TRIẾT HỌC, LỊCH SỬ và TÔN GIÁO. Cả 3 cái đó đều đang bị “gãy”. Lâu nay nền giáo dục của chúng ta chưa được học đúng nghĩa 3 môn học này như một tri thức của văn hóa. Trong khi, 3 thứ đó là linh hồn của văn hóa. Nếu trong nhà trường chưa được học linh hồn của văn hóa một cách đầy đủ và đúng nghĩa thì làm sao có văn hóa?” Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung Tác giả sách "Đúng Việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh" |