Tác giả: Richard David Prencht
Dịch giả: Võ Kim Nga
Năm xuất bản: 2017
Đơn vị xuất bản: NXB Tri Thức
Số trang: 393
Nước Đức luôn được đánh giá là nơi có nền giáo dục phát triển và là tấm gương về cải cách giáo dục mà nhiều quốc gia noi theo. Ấy thế mà các nhà giáo dục ở đất nước ấy vẫn chưa hài lòng và còn luận bàn, nêu ra rất nhiều vấn đề nổi cộm trong giáo dục. Điều này khiến mình tò mò hơn cả cái tựa đề đánh đúng vào tâm lý của nhiều tầng lớp trong xã hội và rất gợi hứng thú tìm hiểu, “Vì sao con tôi không thích đến trường?”
Vì tác giả là một triết gia cho nên một số điều ông đặt ra khá trừu tượng và khô khan, nhất là khi thống kê những con số, phân tích những luồng tư tưởng. Nhưng bạn đọc đừng vì vậy mà nản chí, bỏ qua cuốn sách thú vị này. R. Precht đã cấu trúc cuốn sách theo một lối đi rất rõ ràng, rành mạch và logic. Đầu tiên, ông nêu lên nguồn gốc của chương trình giáo dục hiện thời và chỉ ra rằng nó đã không còn phù hợp với điều kiện xã hội thực tại nữa. Tác giả mạnh dạn chỉ trích, phê phán đó là “thảm họa giáo dục”. Văn hóa giáo dục là phải biết kết hợp sáng tạo rất nhiều điều khác biệt rồi từ đó tự suy ra thêm nhiều ý tưởng đa dạng. Người có văn hóa đóng dấu ấn riêng lên tư duy của mình, khiến ý tưởng của họ có nhiều sắc thái. Nhưng ai cũng thấy, nhà trường hiện nay thường không đo tiềm lực và tính đặc thù của khả năng tư duy nơi học sinh. Họ chỉ đo năng lực học tập ở một thời điểm nhất định, mục tiêu của giáo dục chỉ được thể hiện qua hệ thống điểm số và thi cử mà thôi.
Nếu Nietzsche có câu nói nổi tiếng, “Chúa đã chết” để khẳng định một thời đại mất Chúa, con người phải tự tìm con đường riêng, thiết lập nhân vị, khẳng định chỗ đứng của mình thì ở đây, R.Precht đã nhắc lại một phát biểu tương tự, “Humboldt đã chết”. Humboldt là lãnh sự ở Roma, người khởi xướng đề án canh tân hệ thống giáo dục. Tuy có công mở đường nhưng quan điểm của Humboldt quá thiên về học thuật mà không chú ý đến tâm tư, tình cảm hay mong muốn của cá nhân. Nền giáo dục của Humboldt ôm đồm quá nhiều bộ môn, đòi hỏi đào tạo ra một thế hệ toàn năng, thân thể chỉ là phương tiện chuyên chở cái đầu. Từ sự đả phá giáo dục đương thời, tác giả đi đến kêu gọi tiến hành cuộc cách mạng văn hóa giáo dục. Tác giả nêu ra nhiều quan điểm nhưng tựu trung lại, ông muốn đề cao tính cá thể hóa, tức là quan tâm hơn đến trình độ của mỗi học sinh để có phương pháp tiếp cận và giáo dục phù hợp. Không nên gò bó trong một khuôn khổ cứng nhắc mà hãy tăng tính tương tác với thế giới hiện thực để học sinh thấy được khả năng ứng dụng của kiến thức vào thực tế. Thậm chí, xây dựng hình ảnh của trường học cũng rất quan trọng. Được học tập, sinh hoạt tại một ngôi trường tốt, có tiếng tăm thì học sinh sẽ có ý thức trách nhiệm cao hơn và thái độ học tập tích cực hơn.
Cuốn sách viết năm 2012, những quan điểm tác giả nêu ra có thể không mới nhưng chẳng mấy ai thực hiện được. Chúng ta vẫn luôn nghe nói về cải cách giáo dục, phát triển tư duy nhưng tất cả vẫn chỉ là những dòng chữ nằm trên bản báo cáo, hội nghị mà thôi. Tuy vậy, tiếp thu thêm những ý kiến mới là điều không thừa chút nào. Cuốn sách này gửi đến những người làm nghề giáo, những học sinh, những bậc phụ huynh và những người có chức trách về giáo dục bởi vì giáo dục không phải là việc của một cá nhân. Mình tin rằng chỉ cần tích cực, tận tâm và không ngừng học hỏi, không ngừng thay đổi thì chẳng có gì là con người không làm được cả!
Những bài báo nghiên cứu, bài viết, bài dịch và sách, phim do Viện IRED
sưu tầm và giới thiệu xoay quanh đề tài giáo dục và quản lý giáo dục.